Động Lực Đầu Tư Chứng Khoán


Dục tốc bất đạt hay bạo phát bạo tàn là những ý niệm người xưa để lại cho hậu thế để tránh đi vào sự lung lạc trong suy nghĩ về tốc độ bành trướng hay phát triển của một cá nhân, tổ chức hay thậm chí một quốc gia.
Phát triển nhanh là tốt nhưng liệu nhanh quá cũng vẫn tốt chăng? Chương 4, Livermore cũng đã từng đề cập về những cá nhân cố gắng làm giàu vội vã trong thời gian quá ngắn. Thay vì dành hai hay ba năm để có mức lợi nhuận năm trăm phần trăm, họ lại cố làm điều này trong vòng vài tháng. Họ thường có những suy nghĩ "nếu tôi có thể nhân đôi được số tiền trong một tháng, tôi sẽ nhân ba lần vào tháng kế tiếp, và thử nghĩ xem một năm sau sẽ thế nào, tôi sẽ có cả một gia tài". Những cá nhân như trên theo Livermore, họ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Họ có thể thành công trong hiện tại nhưng không thể giữ được thành quả đó bởi vì sao? Chúng chính là những khoản lợi nhuận không LÀNH MẠNH.
Đúng vậy, những đồng tiền đến với bạn theo cách đó thì chúng "đến" như một chuyến ghé thăm ngắn ngủi và nhanh chóng rời đi.
Năm 1942, Warrent Buffet, khi đó mười sáu tuổi, mua vào sáu cổ phiếu đầu tiên của ông cùng với người chị gái tại Công Ty Dịch Vụ Công Ích Thành Phố với giá $38 một cổ phần. Lý do ngài sở hữu cổ phiếu này bởi vì ông tin rằng cổ phiếu đang được định giá thấp hơn so với giá trị thực. Trong vòng hai tuần kế tiếp, giá cổ phiếu giảm còn một nửa so với giá mua, ông nhận được hàng tá lời chỉ trích về sự "teo lại" của khoản vốn từ người chị gái. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì nắm giữ cho đến khi cổ phiếu bật lại tại mức giá $40. Ông chốt món lời đầu tiên $12. Sau đó là một trải nghiệm kinh khủng của ông khi chứng kiến cổ phiếu leo lên giá $200.
Buffet từng viết: "Kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không đòi hỏi trí thông minh tuyệt vời, bằng cấp về kinh tế hay mối quan hệ với Phố Wall. Những gì nhà đầu tư cần là khả năng loại bỏ sự sợ hãi và nhiệt tình của đám đông, tập trung vào một vài nguyên tắc cơ bản đơn giản. Chỉ đưa ra các quyết định lớn, dễ dàng và tránh né hoạt động trên sàn chứng khoán". Sự thật là Buffet đã phải trải qua hơn hai mươi năm để kiếm được một triệu đô la đầu tiên từ đầu tư tại độ tuổi ngoài ba mươi và thêm ba mươi năm nữa để có một tỷ đô la tài sản đầu tiên.
Bên trên chỉ là vài ý kiến của hai tiền bối trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và đầu tư nói chung. Người viết cũng muốn chia sẻ những trải nghiệm của bản thân đối với lĩnh vực này. Tại các quốc gia đã phát triển như Mỹ hay Thụy Sĩ, kênh đầu tư tài chính là hoạt động nổi trội hơn cả. Các hình thức khác như bất động sản hay vàng tương đối kém hấp dẫn hơn. Đó là đặc thù của các quốc gia phát triển. Sự thật thì, ở trong thời hòa bình của một quốc gia, BĐS có xu hướng luôn tăng trưởng đều nếu không nói đến bong bóng.
Ở những thị trường mới nổi như Đông Nam Á, kênh BĐS và vàng lại tương đối được "chuộng" hơn. Theo suy nghĩ của người viết, nguyên nhân chủ yếu của việc này là vì:
Thứ nhất: hai loại tài sản vàng hay BĐS này gần gũi và gắn bó với tất cả mọi người hơn bất kỳ loại hình nào khác đặc biệt là đất đai. Đối với các hình thức khác như góp vốn kinh doanh hay kênh chứng khoán thì khá lạ lẫm với đa số người dân. Nói cách khác, hầu hết chúng ta từ khi sinh ra đã được biết tới vàng hay nhà cửa nhưng tuyệt nhiên là con số không đối với tài chính.
Thứ hai: Kênh chứng khoán thực sự mà nói thì phần lớn mọi người ít có dịp tương tác. "Con người thường sợ hãi những gì mà họ không hiểu rõ". Đúng như vậy! Từ cách nghĩ này, đa phần nhận định đầu tư vào chứng khoán không đem lại nhiều lợi ích như đầu từ vào những thứ quen thuộc.
Thứ ba: Việc đầu tư vào chứng khoán, theo kinh nghiệm của người viết, cần khá nhiều thời gian, công sức và đi kèm với mất mát để có thể khai thác được những nguồn lợi trên thị trường này. Điều này xuất phát từ việc phải vận dụng hiểu biết, trải nghiệm để quán triệt một cơ hội đầu tư. Đây thực sự là một hạn chế với đại đa số mọi người, và cũng chính là lý do khiến "số đông nói không với chứng khoán".
Thứ tư: cái chết của BĐS là "cái chết một lần". Không giống với kênh tài chính chứng khoán, khi mà sự "sụp đổ" với một số NĐT diễn ra hàng tháng thậm chí là hàng tuần. BĐS chỉ "vỡ" tại một thời điểm nhất định.
Hình 1: Hình minh họa

Ở đâu đó tôi vẫn nghe nói tới những thành quả từ việc mua bán đất đai. Một lần gần đây, tôi được biết về một cá nhân bán những lô đất với tổng trị giá xấp xỉ một trăm tỷ VNĐ ở gần nơi mình sinh sống. Nghe đâu giá này đã tăng được hai mươi sáu lần so với lúc mua và đó là cách thời điểm viết bài này hơn 15 năm, nghĩa là trước năm 2004. Qua vài sự suy xét sơ bộ, tôi nhận thấy những con số trên tương đối có thật.
Giai đoạn 2007 - 2008, cơn sốt đất ở Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung, khiến nhiều người thực sự rơi vào bế tắc. Bong bóng lúc đó "thổi" giá BĐS lên có lúc là vài lần trong một tuần. Người viết được chứng kiến tận mắt một trường hợp tại khu vực phía nam thuộc Tp.HCM, cá nhân này thu được nhiều nguồn lợi từ việc đặt cọc các lô nền tại Khu Dân Cư Phú Mỹ Hưng và bán sang tay sau khi đặt cọc. "Lợi nhuận không lành mạnh" này được tái đầu tư theo cách đó với việc đặt mua nhiều hơn số lượng nền và đa phần là được sự hỗ trợ vay vốn từ phía ngân hàng. Giá cả sau đó vẫn tiếp tục tăng, nhưng cá nhân ny vẫn giữ kiên định chờ cho giá lên thêm nữa. Không may thay, những tháng ngày giá tăng phi mã cũng chính là lúc báo hiệu thị trường đã đến hạn. Bong bóng BĐS vỡ ra trên diện rộng quy mô quốc tế. Tiền vay kèm lãi suất biến thành một con số khổng lồ, các thỏa thuận mua bán trở nên bất hợp lý hơn bao giờ hết. Thiệt hại với cá nhân này quả thực đã làm người viết lúc đó thực sự lo ngại.
Từ hai câu chuyện trên có thể thấy sự hấp dẫn mà BĐS đem lại cho NĐT. NHƯNG, với quan điểm của người viết, những con số trên thực sự vẫn còn khá khiêm tốn khi so sánh với mức sinh lời từ chứng khoán nếu NĐT thực sự nghiêm túc với chúng. Mức sinh lời từ bốn đến năm lần trong hai năm là con số tương đối tại thị trường mới nổi ở Việt Nam.
Peter Lynch một trong những nhà quản lý quỹ nổi tiếng của Mỹ vào giai đoạn cuối thế kỷ XX. Trong quyển sách "One Up On Wall  Street" của ngài, ông đưa ra những thương vụ đối với những doanh nghiệp thành công nhất ở giai đoạn này. Nổi bật có thể kể đến khoản đầu tư vào Công ty sản xuất máy tính DELL. Giá trị đầu tư vào thời điểm năm 1989 là $10,000. Danh mục này là $8,900,000 vào thời điểm 1999, tức 10 năm sau. Đây là một mức tăng 890 lần trên vốn. Hay một thương vụ khác với Công ty Đài Phát Thanh New York CCU, với mức tăng 810 lần trên vốn đầu tư ban đầu, thương vụ sau đó được xác định trị giá $8,100,000 cũng với $10,000 ban đầu.
Ở thị trường Việt nam, đầu tư vào Tập đoàn Vingroup tại thời điểm năm 2010, nếu nắm giữ đến hiện tại cuối năm 2018, tức 8 năm, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ là 19 lần. Hay trường hợp tương tự với doanh nghiệp đầu ngành sữa của Việt Nam, Vinamilk (VNM), cũng trong giai đoạn năm 2010 đến 2017, tức 7 năm, tỷ suất sinh lợi sẽ là hơn 10.5 lần. Hay 9.5 lần cũng trong giai đoạn tương tự VNM đối với Công ty cổ phần xây dựng Cotecons. Hãy thử tưởng tượng xem nếu duy trì hơn 15 năm như trường hợp BĐS tăng 26 lần kia thì con số sẽ là thế nào, hoặc giả dụ như tái đầu tư với chu kỳ 7 năm  môt lần nữa như trên thì kết quả sẽ ra sao. Đó chính là cách mà những nhà đầu tư trên thế giới nghĩ đến. Quả thật, người viết cũng chưa từng được biết đến thương vụ BĐS nào có biên độ xấp xỉ lên đến hơn một trăm lần với thời gian dưới 20 năm.
Những con số ở trên đã có phần nào mê hoặc bạn chưa? Việc đưa ra các con số này không nhằm "hack não" người đọc, vấn đề ở đây, người viết muốn người đọc có một cái nhìn công tâm và thực sự trung thực với chính bản thân mỗi người để không nhận định duy lý trí về những điều chúng ta chưa nắm rõ.
Đất đai theo quan điểm của phương Đông gắn liền với việc nắm giữ dài hạn. Nếu như bạn có thể nắm giữ một cổ phiếu dài hạn như vậy, tôi chắc chắn lợi ích bạn nhận được không thể thua kém BĐS, và tôi tin rằng nó sẽ vượt xa. Nếu như bạn nói với tôi rằng bạn sở hữu dài hạn một doanh nghiệp mà không thu lại nhiều lợi nhuận như một BĐS, thì tôi sẽ kể cho bạn nghe về việc giữ một mảnh đất mà hầu như không tăng giá trị gì nhiều qua thời gian, ví như khu đất sát biên giới. Một doanh nghiệp tăng giá trị nó sẽ ở một nơi có hình ảnh, có năng lực, có hiệu quả, có cái tâm.
Bạn có thể nghe nói đến đầu tư mua bán một thứ gì đó ngay tại bãi đỗ xe hay trong nhà hàng thậm chí là nhà vệ sinh. Nếu bạn có sở hữu những tài sản theo cách vậy thì bạn không thể sáng suôt biết rằng khi nào cần phải bán chúng, thực tế là khi bạn mua chúng bạn đã không dựa trên bất kỳ một cơ sở đúng đắn nào cả. Hãy đừng đầu tư vào thứ gì đó chỉ vì không chịu nổi áp lực của xã hội.
Bài viết mang phần nhiều quan điểm cá nhân xuất phát từ cảm hứng và mong muốn được cống hiến, nội dung được viết bằng tất cả sự chân thực và tâm huyết. Tuyệt đối không mang hàm ý bài trừ bất kỳ lĩnh vực nào.
Còn rất nhiều điều mà người viết muốn truyền tải đến mọi người. Hy vọng với nội dung này, mọi người sẽ có cảm hứng, động lực để tham gia vào môi trường hấp dẫn và đầy tiềm năng này. Tôi tin rằng với một số tiền nhỏ dành cho kênh này ngày hôm nay, bạn sẽ có cả một gia tài vài năm sau.
Giá cả của chứng khoán hiện tại cũng giống như giá đất đai cách đây 20 năm, không ai muốn mua, không ai muốn sở hữu.

broker HAD

brokerhad@gmail.com
phone/zalo: 038 887 220

Nhận xét

Popular

Chương 9: Giải Nghĩa Các Quy Tắc (Phần 2)

Chương 9: Giải Nghĩa Các Quy Tắc (Phần 1)

Chương 8: Bí mật giao dịch của Livermore

Tại sao doanh nghiệp lại niêm yết trên nhiều sàn chứng khoán?

KSA - Cái Bẫy Chết Người Đối Với Nhà Đầu Tư (Phần II)