Chương 1: Tiếng Gọi Của Sự Đầu Cơ

Tác giả: Jesse Lauriston Livermore (1940)
Người dịch: Broker HAD
Trò chơi đầu cơ, trong lĩnh vực nào cũng là một trò chơi lôi cuốn, hấp dẫn và đầy quyến rũ. Nhưng nó không dành cho những kẻ ngu ngốc, những kẻ tâm thần lười biếng, những kẻ kém cân bằng cảm xúc, cũng không dành cho những nhà phiêu lưu tìm kiếm sự giàu có tức thì. Tất cả họ sẽ chết trong nghèo khổ.

Hình 1: Hình minh họa
Qua nhiều năm, bữa tiệc tối nào tôi cũng gặp phải những người lạ, sau vài lời xã giao thì lập tức hỏi tôi:
“Làm cách nào mà tôi có thể kiếm nhanh một ít tiền từ thị trường chứng khoán?”
Nếu mà hồi trẻ thì tôi sẽ cố gắng hết sức giải thích tất cả những khó khăn mà một cá nhân phải đối mặt khi muốn kiếm tiền nhanh từ thị trường chứng khoán; nhưng đôi khi tôi cũng lịch sự lảng tránh trả lời câu hỏi đó. Về sau, câu trả lời của tôi rất ngắn gọn “tôi cũng không biết”.
Thật khó kiên nhẫn đối với những người như vậy. Ngay từ đầu, câu hỏi đó không phải là một lời khen ngợi dành cho một người đã nghiên cứu kỹ lượng khái niệm đầu cơ và đầu tư. Để cho công bằng, đây giống như việc một người nghiệp dư hỏi một luật sư hay bác sĩ:
“Làm ơn chỉ cho tôi cách kiếm tiền nhanh từ nghề luật hoặc nghề bác sĩ”
Tuy nhiên, tôi đã sớm nhận ra rằng những người quan tâm đến việc đầu tư và đầu cơ cổ phiếu sẽ sẵn sàng nghiên cứu để có được các kết quả hợp lý nếu như họ có được một sự hướng dẫn đúng đắn. Đây chính là lý do vì sao quyển sách này được viết ra.
Mục đích của tôi là xoay quanh những điểm nổi bật trong cuộc đời đầu cơ của mình – như là một bản ghi chép các thất bại, thành công và bài học mà chúng đưa ra. Trong số đó, yếu tố thời gian trong giao dịch là điều mà tôi xem là nhân tố quan trọng nhất để đầu cơ thành công.
Trước khi đi xa hơn, tôi lưu ý mọi người rằng thành công sẽ tỷ lệ thuận với sự nỗ lực thực sự của chính bản thân trong việc tự ghi chép “các mốc giá quan trọng”, tự mình phân tích và đưa ra kết luận của chính mình. Thật là ngốc khi bạn nghĩ rằng bạn sẽ giảm cân khi đọc quyển sách: “làm thế nào để giảm cân nhanh” và rồi sau khi đọc xong bạn lại bảo người khác tập các bài thể dục trong quyển sách ấy. Nếu bạn trung thành theo công thức của tôi trong việc kết hợp “hai yếu tố giá và thời gian” được nêu ở các trang tiếp theo, thì bạn cũng không nên “dâng hiến” việc ghi chép các mức giá quan trọng cho người khác.
Tôi chỉ có thể thắp sáng con đường, và tôi sẽ rất vui nếu như nhờ những hướng dẫn của tôi mà bạn có thể kiếm đươc nhiều tiền từ thị trường hơn con số bạn bỏ vào.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ trình bày cho mọi người, những ai nghiêng về mặt đầu cơ, một số điểm và ý tưởng đã được thu thập trong nhiều năm làm nhà đầu tư và đầu cơ của tôi. Bất cứ ai có xu hướng đầu cơ nên xem đầu cơ là một công việc và coi đó là một vấn đề chứ không phải là một trò chơi cờ bạc thuần túy như rất nhiều người hay làm. Nếu tôi đúng trong tiền đề “đầu cơ là một công việc”, thì những người tham gia vào công việc này nên xác định phải học và hiểu nó với khả năng tốt nhất của của mình cùng với dữ liệu có sẵn. Trong bốn mươi năm cống hiến để biến đầu cơ thành một công việc kinh doanh thành công, tôi đã và vẫn đang khám phá ra các quy tắc mới để áp dụng cho công việc này.
Nhiều lần lên giường tôi lại tự hỏi tại sao tôi không thể thấy trước một động thái nào đó sắp xảy ra, và rồi sáng hôm sau tôi thức dậy sớm hơn vài giờ với một ý tưởng mới. Tôi không thể chờ đến trời sáng để bắt đầu kiểm tra xem liệu ý tưởng mới đó có dự báo được các sự dịch chuyển giá cổ phiếu trong quá khứ hay không. Trong hầu hết các trường hợp, những ý tưởng đó sẽ đúng, nhưng quan trọng hơn đó là những những điều đó sẽ nằm trong tiềm thức của tôi. Nghĩa là có thể về sau một ý tưởng khác được hình thành và rồi tôi sẽ lại kiểm tra nó.
Theo thời gian các ý tưởng đó kết tinh với nhau và tôi đã có thể phát triển thành một phương pháp cụ thể trong việc hình thức hóa việc ghi chép “các mức giá quan trọng”, biến chúng thành một tập thông tin hướng dẫn rõ ràng.
Lý thuyết và các ứng dụng thực tế của tôi đã chứng minh rằng không có điều gì mới mẻ xảy ra đối với nghề đầu cơ hay đầu tư trong cổ phiếu hay hàng hóa. Có những lúc chúng ta nên đầu cơ, có lúc thì không nên. Có một câu ngạn ngữ rất đúng: “bạn có thể chiến thắng một cuộc đua ngựa, nhưng bạn không thể chiến thắng được tất cả các cuộc đua”. Điều này cũng tương tự với thị trường cổ phiếu. Hầu hết tiền sẽ được dùng để đầu tư hoặc đầu cơ, và tiền sẽ không thể dùng để giao dịch mỗi ngày hay mỗi tuần trong năm. Chỉ có những người tuyệt vọng mới làm như vậy. Nó không giống như việc chơi bài.
Để đầu tư hoặc đầu cơ thành công, một cá nhân phải có được sự đánh giá về xu hướng  chính sắp tới của một cổ phiếu cụ thể. Đầu cơ không gì khác ngoài việc dự báo được sự dịch chuyển kế tiếp. Để dự báo được chính xác, ta phải có một cơ sở nhất định cho dự đoán đó. Lấy ví dụ, hãy phân tích hiệu ứng sẽ xảy ra của một bản tin tức nào đó được công bố mà có thể liên quan đến thị trường cổ phiếu. Thử dự đoán hiệu ứng tâm lý của các tin tức cụ thể này tác động đến tâm trí công chúng – cụ thể là nhóm công chúng cảm thấy thích thú về tin tức đó. Nếu bạn thực sự tin rằng thị trường sắp bước vào xu hướng BULLISH hay BEARISH, bạn khoan hãy tin vào nhận định của mình, hãy để nó sang một bên và chờ thị trường xác nhận câu trả lời, bởi vì thị trường không tuân theo nhận định ban đầu của bạn. Để minh họa: sau khi thị trường bước vào một xu hướng nhất định được một thời gian, một bản tin tức khó có thể mà ảnh hưởng, dù nhỏ, được đến BULLISH hay BEARISH. Thị trường, ngay lúc này đây, sẽ bị mua bán quá đà, trong trường hợp này thì hiệu ứng của các tin tức hầu như là con số không. Những lúc như thế này thì số liệu lịch sử giá của bạn sẽ là món đồ vô giá đối với dân đầu tư và đầu cơ. Bây giờ, ta cần gạt bỏ toàn bộ ý kiến cá nhân và quan sát chặt chẽ các động thái của thị trường. Thị trường không bao giờ sai – điều này luôn luôn đúng. Những số liệu mới nhất không có giá trị đối với nhà đầu tư hoặc đầu cơ, trừ phi thị trường đi đúng theo nhận định ban đầu. Không một ai hay một tổ chức nào có thể tạo hoặc phá vỡ thị trường ngày hôm nay. Một cá nhân có thể kết luận việc lên hoặc xuống giá của một cổ phiếu và sau đó thì nhận định này đúng nhưng anh này vẫn sẽ thua lỗ nếu như tham gia quá sớm. Việc tin vào nhận định đó đúng, cá nhân này quyết định tái gia nhập thị trường, và rồi thấy được rằng khi mua xong thì giá cổ phiếu lại đi theo hướng khác. Thị trường giao động hẹp, và rồi anh ta trở nên mệt mỏi bán cổ phiếu đi. Có thể một vài ngày sau mọi thứ trông ổn trở lại, anh ta lại mua vào cổ phiếu đó và một lần nữa nó lại đảo chiều. Thêm một lần nghi ngờ về nhận định của mình, anh này quyết định bán hết cổ phiếu. Và cuối cùng thì đợt dịch chuyển thực sự cũng đến. Cá nhân này mất đi dũng khí vì hai lần quyết định vội vã. Điều này rất có thể vì anh ta đã có một kết luận khác nhưng lại không ở trong tư thế để quan sát thêm. Vì vậy, anh ta đã bước vào và bước ra quá sớm trước khi sự dịch chuyển thực sự bắt đầu.
Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là sau khi hình thành thành nên một nhận định với một hay những cổ phiếu nhất định – đừng cảm thấy quá lo lắng khi mua vào. Chờ và xem sự chuyển động của cổ phiếu đó hoặc sự dao động của thị trường. Ta luôn phải có một sự chỉ dẫn làm nền tảng. Lấy ví dụ, một cổ phiếu đang bán với giá $25 và dao động trong khoảng $22 đến $28 trong một khoảng thời gian dài. Giả sử bạn tin rằng nó sẽ chạm đến giá $50, và hiện tại thì đang $25, vậy thì hãy kiên nhẫn chờ cho cổ phiếu đó trở nên sôi động, đến lúc nó chạm một mốc mới, lấy ví dụ là quanh mức giá $30. Bạn, lúc đó, sẽ biết nhận định của bạn đã được chứng minh. Cổ phiếu này phải có một vị thế rất mạnh, nếu không thì nó đã không chạm đến mốc $30. Điều này thể hiện rằng cổ phiếu đó rất có thể đang có những “tiến bộ” vững chắc – sự dịch chuyển chính thức. Đây là lúc tin vào nhận định của mình. Đừng để cho suy nghĩ rằng việc không sở hữu nó ở mức giá $25 làm cho bạn cảm thấy nặng nề. Bởi vì nếu bạn mua tại mức giá $25, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi và sẽ bán đi trước khi sự dịch chuyển bắt đầu, bởi vì bạn đã một lần bán cổ phiếu đó với giá thấp hơn giá mua, bạn cảm thấy bất mãn và không muốn quay lại sở hữu nó nữa.
Kinh nghiệm đã chứng minh cho tôi thấy rằng tiền kiếm được trong đầu cơ cổ phiếu hay hàng hóa sẽ cho lợi nhuận ngay thời điểm mua vào. Về sau, khi một số ví dụ về hoạt động giao dịch của tôi được đưa trong trong sách, bạn sẽ nhận thấy rằng tôi bắt đầu mua vào cổ phiếu tại “thời điểm tâm lý” – psychological time, thời điểm mà tại đó lực mua rất mạnh khiến nó dễ dàng bứt phá. Bứt phá không phải vì tôi mua vào mà vì lực mua đằng sau cổ phiếu đó quá mạnh. Nó cứ như thế mà diễn ra. Đã rất nhiều lần tôi không kiên nhẫn chờ đợi những thời điểm như vậy giống như những nhà đầu cơ khác. Lúc nào tôi cũng muốn sở hữu cổ phiếu. Bạn có thể hỏi rằng “Với tất cả những kinh nghiệm như vậy, tại sao tôi lại cho phép mình hành động như thế?” Câu trả lời chính là tôi cũng là một con người và cũng tuân theo các điểm yếu của loài người. Như tất cả mọi nhà đầu cơ, tôi cho phép mình thiếu kiên nhẫn để đưa ra nhận định đúng. Đầu cơ rất giống với chơi bài, xì phé hay brit hay các trò bài tương tự. Chúng ta đều có chung một điểm yếu đó chính là luôn muốn mình nắm giữ quân Xì dách, vì thế ta có xu hướng muốn chơi tất cả ván bài. Đó chính là sự yếu đuối của con người tùy mức độ, và điều này chính là kẻ thù lớn nhất của các nhà đầu cơ và đầu tư, nếu không hạn chế thì sẽ nhanh chóng mang sự sụp đổ đến chính mình. Con người có một đặc điểm là hy vọng sẽ ngang bằng với sợ hãi, nhưng nếu mà đặt hai điều này vào trong công việc đầu cơ, ta sẽ đối mặt với một mối nguy hại đó là ta sẽ có xu hướng đảo ngược hai cảm xúc này qua lại.
Như đã minh họa: bạn mua một cổ phiếu giá $30. Ngày tiếp theo, cổ phiếu này tăng nhanh chóng lên $32 hay $32.5. Bạn ngay lập tức cảm thấy sợ rằng nếu như không chốt lời thì ngày mai có thể không còn giá đó nữa – như vậy bạn rút khỏi thị trường với một mức lợi nhuận khiêm tốn, mặc dù đó lại là lúc bạn nên đặt tất cả hy vọng mình có vào cổ phiếu này.
Tại sao bạn lại cảm thấy lo lắng về việc mất $2 lợi nhuận mà mình không có vào ngày hôm trước?Nếu bạn có thể kiếm được $2 lợi nhuận trong một ngày, bạn cũng có thể kiếm thêm $2 nữa vào ngày tiếp theo và có thể là $5 vào tuần sau. Miễn là cổ phiếu đó biểu hiện đúng, bởi vì nếu không đúng thì chẳng phải là bạn đã không có tí lợi nhuận nào hôm nay rồi đấy thôi?
Hãy để cho cổ phiếu tự chạy con đường của nó và bạn chỉ việc nương theo nó. Cổ phiếu có thể tạo ra một lợi nhuận rất lớn, và miễn là biểu hiện của thị trường không đưa ra bất kỳ biểu hiện gì để bạn lo lắng, vậy thì bạn cứ dũng cảm ở cùng với nó. Mặt khác, giả sử như bạn mua một cổ phiếu ở giá $30, và ngày kế tiếp nó giảm xuống $28, thua lỗ $2. Bạn lại không cảm thấy sợ rằng rất có thể nó sẽ giảm $3 vào ngày mai. KHÔNG, lúc này bạn sẽ tự cho rằng đây chỉ đơn thuần là một biểu hiện tạm thời của cổ phiếu, bạn cảm nhận chắc rằng nó sẽ phục hồi vào ngày mai. NHƯNG THỰC SỰ, đây là lúc mà bạn hãy nên lo lắng. $2 thua lỗ đó sẽ có thể kéo theo $2 vào ngày tiếp theo, hoặc có thể $5 hay $10 trong vòng một hoặc hai tuần kế tiếp. Đó chính là lúc bạn nên cảm thấy sợ, bởi vì nếu bạn không rút ra khỏi thị trường, bạn có thể phải gánh chịu khoản thua lỗ còn lớn hơn như thế. Đó chính là lúc mà bạn cần phải bảo vệ chính mình bằng việc BÁN toàn bộ cổ phiếu trước tỷ lệ thua lỗ tăng lên nữa.
Có lợi nhuận thì cứ giữ tiếp, nhưng thua lỗ thì không bao giờ để lâu. Nhà đầu cơ phải ngăn chặn những thua lỗ lớn bằng những thua lỗ nhỏ. Bằng cách này, anh ta sẽ giữ tài khoản của mình cho những lần sau, khi mà anh ta có ý tưởng khác, hẳn nhà đầu cơ sẽ mua vào một thương vụ khác, mua vào lượng cổ phiếu bằng với lúc khi mà anh ta bỏ lỡ trước kia. Nhà đầu cơ phải là nhà bảo hiểm của  chính mình, và cách duy nhất để anh ta có thể tiếp tục công việc kinh doanh đầu cơ là phải bảo vệ được vốn liếng và không bao giờ cho phép mình thua lỗ đến mức hủy hoại luôn cả những thương vụ thực sự tốt trong tương lai. Trong khi tôi tin rằng nhà đầu cơ hay đầu tư thành công phải có lý do đủ “thâm sâu” cho việc chọn phe đối với thị trường, tôi cảm thất rằng anh ta có thể cũng phải thông qua một số phương pháp nhất định biết khi nào nên đưa ra nhận định đầu tiên.
Tôi xin nhắc lại, có những thời điểm báo hiệu chắc chắn khi nào một động thái thực sự của thị trường diễn ra, và tôi tin chắc rằng bất kỳ ai có bản năng của một nhà đầu cơ và sự kiên nhẫn, đều có thể tạo ra một phương pháp cụ thể để sử dung như một kim chỉ nam cho phép anh ta phán đoán chính xác khi nào bắt đầu đặt lệnh. Đầu cơ thành công không phải là đoán mò. Để thành công bền vững, một nhà đầu tư hay đầu cơ phải có những quy luật để chỉ dẫn mình. Những chỉ dẫn cụ thể đó tôi sử dụng có thể vô giá trị với mọi người. Tại sao lại như vậy? Nếu chúng vô giá với tôi thì tại sao chúng lại không có tác dụng với bạn?? Câu trả lời đó chính là không có chỉ dẫn nào đúng 100%. Nếu tôi sử dụng một chỉ dẫn cụ thể, tôi có thể đoán trước được kết quả. Nếu cổ phiếu của tôi không biểu hiện đúng như tôi dự đoán, tối sẽ ngay lập tức biết là chưa đến thời điểm và tôi không tham gia thị trường. Một vài ngày sau, chỉ dẫn lần này lại bảo tôi tái gia nhập thị trường, và tôi tham gia, và lần này thì nó đúng 100%. Tôi tin rằng bất cứ ai bỏ thời gian và đánh đổi để nghiên cứu các động thái dịch chuyển giá đều có thể có được cuốn chỉ dẫn cho riêng mình, thứ sẽ hỗ trợ chúng ta trong các thương vụ đầu tư trong tương lai. Trong quyển sách này tôi sẽ đưa ra một vài quan điểm mà tôi cho là rất giá trị trong sự nghiệp đầu cơ của mình.
Rất nhiều nhà giao dịch sử dụng những biểu đồ hay lịch sử giá bình quân. Họ theo dõi sát sao chúng, lúc lên hay xuống, nhưng không hề thắc mắc về xu hưỡng ngay lúc đó mà các biểu đồ và số liệu bình quân thể hiện. Cá nhân mà nói biểu đồ không bao giờ hấp dẫn đươc tôi. Tôi nghĩ rằng chúng quá khó hiểu.Tuy nhiên, tôi lại là người cuồng tín trong việc ghi chép các mức giá theo phương pháp của riêng mình giống nhưng người ta tôn sùng biểu đồ. Có thể họ đúng, và cũng có thể tôi sai.
Sở thích trên xuất phát từ việc phương pháp ghi chép các mức giá của tôi sẽ cho tôi một bức tranh rõ nét về điều đang diễn ra trên thị trường. Mãi cho đến khi tôi thêm yếu tố thời gian vào bản ghi chép của mình thì nó thực sự đã trở nên hữu ích trong việc giúp tôi dự báo những động thái quan trọng sắp tới. Tôi tin rằng việc ghi chép các mức giá lịch sử và cân nhắc yếu tố thời gian – tôi sẽ giải thích cụ thể sau – thì một người có thể dự báo khá chính xác động thái quan trọng tiếp theo của thị trường. NHƯNG điều này rất đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Tự mình làm quen với một cổ phiếu, hay một nhóm cổ phiếu, và nếu bạn tính toán được chính xác sự liên quan giữa yếu tố thời gian với các mức giá ghi chép của bạn, chẳng sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ có thể xác định được một xu hướng lớn của thị trường khi nó bắt đầu. Nếu bạn đọc bản ghi chép của mình đúng cách, bạn sẽ chọn được cổ phiếu dẫn đầu trong bất kỳ nhóm cổ phiếu nào. Tôi lặp lại, bạn phải giữ bản lịch sử giá đó cho duy nhất mình bạn. Bạn phải tự mình dùng giấy viết những con số đó ra. Đừng để bất kỳ ai làm nó thay bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng vô vàn ý tưởng sẽ nảy sinh khi bạn làm thế, ý tưởng mà không bất kỳ ai có thể cho bạn, bởi vì chúng chính là khám phá của bạn, bí mật của bạn, và bạn giữ thì luôn phải giữ bí mật.
Tôi đề xuất trong quyển sách này một vài ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM đối với nhiều nhà đầu tư và đầu cơ. Một trong những nguyên tắc sơ đẳng nhất đó là KHÔNG BAO GIỜ CHẤP NHÂN CÁC SUY ĐOÁN MẠO HIỂM trong đầu tư. Nhà đầu tư thường thua lỗ rất lớn không vì lý do nào khác ngoài việc mua và bán cổ phiếu.
Đã bao nhiêu lần bạn nghe một nhà đầu tư nói thế này: “tôi không lo lắng về các giao động giá hay việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Tôi không phải là người đầu cơ. Khi tôi mua cổ phiếu, tôi mua chúng để đầu tư, và tôi khi cổ phiếu giảm giá thì nó cũng sẽ lên lại thôi.”
Nhưng thật đáng buồn cho những nhà đầu tư như vậy khi mà những cổ phiếu họ mua vào trông có vẻ rất ổn và lúc đó nhưng về sau lại nó đổi hướng một cách quyết liệt. Vì vậy cái mà gọi là “đầu tư cổ phiếu” thường xuyên trở thành đầu cơ thuần túy. Một số thì bốc hơi hoàn toàn . Chữ “đầu tư” ban đầu sẽ bốc hơi vào bầu không khí cùng với vốn liếng của nhà đầu tư. Đây là biến cố do không nhận ra được cái gọi là  “đầu tư” kia trong tương lai rất có thể vấp phải nhiều điều kiện mới sẽ gây nguy hiểm cho khả năng sinh lợi của cổ phiếu, thứ mà lúc ban đầu đươc mua để đầu tư vĩnh viễn. Trước khi nhà đầu tư nhận ra được các điều kiện mới đó, thì giá trị của khoản đầu tư ban đầu đã giảm đi đáng kể. Vì thế nhà đầu tư phải bảo vệ vốn của mình giống như những nhà đầu cơ thành công thường làm. Nếu điều này được đảm bảo, những người tự gọi mình là “nhà đầu tư” sẽ không  phải trở thành những nhà đầu cơ bất đắc dĩ trong tương lai – giá trị tài khoản của họ sẽ không giảm đi quá nhiều.
Không nhiều năm về trước việc đầu tư vào Công ty New York, New Haven & Hartford Railroad lại an toàn hơn việc để tiền vào ngân hàng. Ngày 28 tháng 4 năm 1902, New Haven được bán với mức giá $255 một cổ phiếu. Tháng 12 của năm 1906, Chicago, Milwaukee & St. Paul được bán với mức giá $199.62. Vào tháng một cũng của năm 1906, Chicago Northwestern được bán với mức giá $240 một cổ phiếu. Ngày 9 tháng 2 của năm đó, cổ phiếu Great Northern Railway được bán với mức giá $348 một cổ phiếu. Tất cả đều trả cổ tức rất cao.
Hãy nhìn lại những khoản “đầu tư đó” ngày nay: ngày 2 tháng 1 năm 1940, chúng được niêm yết với giá như sau: New York New Haven & Hartford Railroad $0.50 mỗi cổ phiếu; Chicago Northwestern được bán với giá $0.3125; Great Northern Railway được bán với giá $26.62 một cổ phiếu. Cũng vào ngày này, Chicago, Milwaukee & St. Paul đã bị hủy niêm yếu. Mãi đến ngày 5 tháng 1 năm 1940, chúng được niêm yết trở lại với giá $0.25 mỗi cổ phiếu.
Vào thời của tôi, rất dễ để có thể liệt kê ra được hàng trăm cổ phiếu có thể được coi là “mạ vàng”, những cổ phiếu đó ngày nay chẳng có một tí giá trị gì. Do đó các khoản đầu tư lớn sụt giảm nghiêm trọng, chúng đi cùng với những người được gọi là “những nhà đầu tư bảo thủ” trong vòng xoáy phân bổ sự giàu có (distribution of wealth).
Những nhà đầu cơ đã thua lỗ trong thị trường chứng khoán. Nhưng tôi tin rằng tiền bị mất do đầu cơ thì rất nhỏ khi so sánh với các khoản thiệt hại khổng lồ của những người tự nhận mình là nhà đầu tư, những người “thả tự do” cho khoản đầu tư của họ.
Theo cách nhìn của tôi, nhà đầu tư chính là một con bạc lớn. Họ đặt cược, họ theo nó, và nếu nó sai, thì họ thua hết. Nhà đầu cơ thì cũng có thể mua vào cùng thời điểm đó. Nhưng nếu anh ta là một nhà đầu cơ thông minh, anh ta sẽ nhận ra rằng – nếu anh ta có ghi chép mức giá lịch sử – thì các tín hiệu nguy hiểm sẽ cảnh báo anh ta ngay lập tức theo một cách không tồi chút nào. nhà đầu cơ sẽ kịp thời giảm thiểu khoản thiệt hại của mình đến một mức thấp nhất có thể và chờ đợi cơ hội khác phù hợp hơn để tái nhập thị trường.
Khi mà một cổ phiếu bắt đầu trượt dốc, không ai có thể nói là nó sẽ trượt xa đến đâu. Hoặc cũng không ai có thể đoán được đỉnh của một cổ phiếu khi mà nó đang trên đà tăng thực sự. Một vài ý nghĩ trên hết là phải được giữ trong tâm trí.
Một là: không bao giờ bán cổ phiếu với lý do là trông có vẻ giá nó khá cao rồi. Bạn có thể thấy cổ phiếu đi từ giá $10 lên đến giá $50 và quyết định bán nó với giá bạn nghĩ là rất cao rồi. Thì tại thời điểm đó chính là lúc để xác định xem điều gì ngăn cản cổ phiếu này tăng giá từ 50 đến 150 trong điều kiện thuận lợi như thế. Rất nhiều người đã mất đi một phần vốn của mình vì việc bán cổ phần trong khi cổ phiếu mới chỉ tăng trong một thời gian ngắn, họ cho rằng “giá như vậy là cao lắm rồi”
Hai là: không bao giờ được mua cổ phiếu chỉ bởi lý do là giá nó đã giảm quá sâu so với  đỉnh điểm trước đó. Có thể sự suy giảm của cổ phiếu này dựa trên một vài điều tích cực. Nhưng cổ phiếu này sẽ vẫn được bán ở một mức giá mới vô cùng cao – ngay cả khi hiện tại rất thấp.
Hãy quên ngay đi thời vàng son của cổ phiếu đó trong quá khứ và bắt đầu nghiên cứu nó với phương pháp của bạn với sự kết hợp yếu tố mức giá quan trọng và thời gian.
Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, trong phương pháp giao dịch của tôi, dựa trên lịch sử các mức giá quan trọng, tôi xác định được một của phiếu dang trong một xu hướng tăng xác định, thì tôi ngay lập tức trở thành người mua vào nhanh nhất ngay khi cổ phiếu đó chạm một mốc giá cao mới (một đỉnh mới) trong quá trình đi lên của cổ phiếu này, sau khi trải qua vài sự điều chỉnh (phản ứng thường).
Điều này áp dụng tương tụ khi tôi ở vị thế bán khống. Tại sao ư? Bời vì thôi luôn nương xu hướng tại một thời điểm. Bản ghi chép giá của tôi cho tôi tín hiệu: Hãy tiến về phía trước!!
Tôi không bao giờ mua khi giá đang giảm và bán khi giá đang trong chiều hướng tăng!
Một điểm khác nữa là: rất là liều lĩnh khi thực hiện mua vào lần thứ hai khi mà giao dịch đầu đã khiến bạn bị lỗ, và hãy nhớ rằng “không bao giờ trung bình cộng các khoản lỗ đó”. Hãy để các khoản lỗ đó ghim sâu vào trong tâm trí của bạn. (không nên mua vào để quân bình giá – người dịch).

Nhận xét

Popular

Chương 9: Giải Nghĩa Các Quy Tắc (Phần 2)

Chương 9: Giải Nghĩa Các Quy Tắc (Phần 1)

Chương 8: Bí mật giao dịch của Livermore

Tại sao doanh nghiệp lại niêm yết trên nhiều sàn chứng khoán?

KSA - Cái Bẫy Chết Người Đối Với Nhà Đầu Tư (Phần II)